Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Hồn Chữ trong thư pháp hiện đại

Hồn Chữ trong thư pháp hiện đại

…Người cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên tờ giấy khổ lớn, nội dung mang ý nghĩa chúc tụng, giáo dục, nét chữ thường đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư pháp…

Với cây bút lông, mực và giấy, người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học. Ở Việt Nam vào thời điểm này, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi, am hiểu Nho học mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, còn hầu hết không tiếp cận được. Phong trào viết Thư pháp bằng tiếng Việt đã được khởi phát mạnh mẽ từ khoảng 10 năm nay.

Trong thời đại công nghệ và số hoá, ngay cả đến nghệ thuật thư pháp cũng đã phổ cập đến các bộ gõ của máy tính, không quá khó khăn khi mất vài phút "sớt" trên mạng, bạn có đầy đủ bộ hỗ trợ font thư pháp, hay các tập thư pháp với đầy đủ các kiểu chữ.

Nhiều người đã nghĩ đến sự biến mất của chữ viết tay tiếng Việt sau rất nhiều năm nỗ lực cải cách, và rồi hình ảnh những ông thầy đồ, thầy khoá gò lưng trên cánh phản để viết thơ, viết thư pháp, cho chữ... nay còn đâu, hơn thế, không còn quá nhiều người thông thạo tiếng Hán cũng đang là một nguy cơ cho thư pháp thời hiện đại. Nhiều ý kiến được đặt ra: viết thư pháp bằng chữ Việt, tại sao không?

Ở Việt Nam thuở xưa, người dân đến nhà những thầy đồ hay những người hay chữ để xin chữ, chữ vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là "món ăn tinh thần". Người cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên tờ giấy khổ lớn, nội dung mang ý nghĩa chúc tụng, giáo dục, nét chữ thường đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư pháp.

Thư pháp được hiểu là phương pháp viết chữ (đẹp). Đây là một môn nghệ thuật phát xuất từ Trung Hoa, được các nước Nhật, Triều Tiên, Việt Nam âm thầm chấp nhận và lặng lẽ duy trì.

Ở Phương Tây, thư pháp được thực hiện bằng nhiều phương tiện: bút sắt, cọ, thước, compa, êke... Con chữ được nắn nót theo chuẩn mực và tỉ lệ. Ðó là cái đẹp của các con chữ theo thị giác người sử dụng hệ chữ La tinh.

Ðối với người phương Ðông, nói đến Thư pháp, người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt...

Với cây bút lông, mực và giấy, người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học. Ở Việt Nam vào thời điểm này, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi, am hiểu Nho học mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, còn hầu hết không tiếp cận được.

Phong trào viết Thư pháp bằng tiếng Việt đã được khởi phát mạnh mẽ từ khoảng 10 năm nay. Nhiều Câu Lạc Bộ viết Thư pháp được thành lập trong các thành phố lớn, đã có nhiều "Thư pháp gia" tổ chức những cuộc triển lãm thư pháp như những hoạ sĩ triển lãm tranh vẽ.

Song, để đưa thư pháp bằng tiếng Việt chính phục những đỉnh cao, đồng thời tôn vinh quốc ngữ bằng một loại hình nghệ thuật đã có truyền thống vẫn luôn là những cuộc "vật lộn" của những người có tâm huyết với bộ môn này. Ấy là những tham khảo, nghiên cứu về bố cục, đường nét, quy tắc để làm cho tiếng Việt sang hơn, thư pháp tiếng Việt cần phải mang đậm bản sắc và hồn Việt.

Theo nhiều người, việc chọn một câu văn một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét rồng bay phượng múa, các thư pháp gia còn phải "nhiếp tâm" với những gì mình sắp sửa viết ra. Bởi vậy, một bức thư pháp được coi là trọng, quý giá cũng đồng nghĩa với việc thể hiện cái tầm và cái tâm của người cho chữ vậy.

Ngoài những nhà Nho, những người theo thư pháp hiện nay chủ yếu là các nhà thơ, nhà văn hay hoạ sĩ, vốn là lớp người nhiều chữ nghĩa và dễ xúc cảm với đời. Một cái duyên tình cờ tại đất Sài Gòn, trong một con hẻm nhỏ, tôi được gặp hoạ sĩ Trần Đạt - một người có duyên nợ với thư pháp chữ Việt.

Phải nói rằng ở ngay giữa Sài thành phồn hoa đô hội, tìm được một người luôn đau đáu với thư pháp truyền thống và hiện đại như Trần Đạt, thật không dễ.

Trong tiết trời của mùa xuân phương Nam, hình ảnh người đàn ông gò lưng viết thư pháp, cho tôi thấy lại dáng vẻ của những thầy khoá, thầy đồ một thời trên đất Bắc đang "gò lưng trên cánh phản, tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân...".

Trong giới văn nghệ sỹ Sài thành, nhiều người gọi Trần Đạt là "hoạ sỹ say", anh cũng nổi tiếng với thể loại tranh ký hoạ (đặc biệt là ký hoạ chân dung). Cái chất say trong con người nghệ sỹ cũng cần được hiểu là những phút thăng hoa của nghệ thuật. Tuy nhiên, khi chứng kiến những lao động của anh (về tranh vẽ hay thư pháp) tôi luôn cảm nhận được một ý thức lao động đầy nghiêm túc.

Trần Đạt tâm sự: ở Sài Gòn, rất nhiều người viết thư pháp tiếng Việt, tuy nhiên cách thể hiện của họ ở một góc độ nào đó còn rườm rà, nó đã làm cho chữ Việt kém sang đi rất nhiều. Bởi vậy khi lựa chọn viết thư pháp bằng chữ Việt, cần nghiên cứu kỹ cả về bố cục thư pháp, hình khối và nét chữ. Trong cách thể hiện văn bản, ở Việt Nam ta không có lối viết chữ Việt từ trên xuống, từ phải sang. Nhiều nhà thư pháp dù đã cách điệu triệt để, nhưng chỉ nhìn qua cũng đã thấy rất khó coi, ít nhiều đã làm biến dạng chữ Việt.

Ở các nước có nền thư pháp học lâu đời (Trung Quốc, Nhật, Hàn), chữ thư pháp treo trên tường được coi như những mẫu tự, người treo chữ (hay được cho chữ) luôn cảm thấy tự hào, hãnh diện về bức thư pháp bởi tính điêu luyện trong nét vẽ, cách thể hiện, thư pháp còn hiện lên cái tầm, cái tâm của người cho chữ, thư pháp cũng mang tính dân tộc rất lớn là tôn vinh mẫu tự của quốc gia.

Ở Sài thành, nhiều quán cà phê cũng đã xuất hiện hình thức cho chữ (dưới dạng viết thư pháp), người được cho chỉ phải mua khung để treo, nhiều gian hàng về thơ - thư pháp cũng xuất hiện trên phố. Âu cũng là một niềm vui, nó cho thấy những khởi sắc, chuyển biến trong nhận thức, ý thức giữ gìn và tôn vinh chữ Việt.

Tuy nhiên, thể hiện một bức thư pháp tiếng Việt như thế nào vẫn là việc phải bàn, bởi quy cách, chuẩn mực của bức thư pháp cũng thể hiện nhân cách của người cho chữ, tâm thế của một thứ quốc ngữ.

Trần Đạt bắt đầu quan tâm và yêu thích thư pháp học từ cuối năm 2004, trong một lần trở ra Bắc thăm quê ngoại, anh tìm lại được một chiếc nghiên mực và một bó bút lông của ông ngoại mình (vốn là một nhà nho), cảm nhận được những chữ viết của các nhà nho trong thời buổi Hán học có ý nghĩa xã hội và lịch sử sâu sắc, Trần Đạt quyết tâm "cải cách" những nét chữ này cho tương xứng và phù hợp với chữ Việt trên bức thư pháp hiện đại.

Với bút pháp kết hợp giữa hình khối và ý nghĩa ngôn từ, lấy chất liệu hình khối hoàn toàn từ chữ Hán, ngữ nghĩa hoàn toàn Việt, Trần Đạt đã làm cho thư pháp hiện đại mới hơn, sang trọng hơn và đẹp hơn. Trần Đạt cũng hy vọng rằng khi anh nghiên cứu và hoàn thiện thành công cách thể hiện thư pháp này, nhiều người sẽ yêu thích và trân trọng hơn tính nghệ thuật trong chữ Việt.

Với những nhận thức và khả năng của mình, anh chỉ muốn đóng góp thêm để hoàn thiện quy cách thư pháp chữ Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng được yêu mến hơn.

Dưới đây là những câu thơ được thể hiện theo lối thư pháp hiện đại mà Trần Đạt đang cải cách - để đứng thì như bản chữ Hán, để ngang ra thì hoàn toàn Việt - đúng cả về bố cục và quy cách. (4 câu thơ trong bài "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính cũng đúng như cuộc đời phiêu bồng của người nghệ sỹ vậy, Trần Đạt viết tặng tác giả:

"Ta đi nhưng biết về đâu chứ, đã dấy phong yên lộng bốn trời, thà cứ ở đây ngồi giữa chợ, uống say mà gọi thế nhân ơi...")

Theo Lê Hưng (Doanh nghiệp chủ nhật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét