Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Người ta nói gì về Thư pháp chữ Việt ?

Người ta nói gì về Thư pháp chữ Việt ?

Thời gian gần đây xuất hiện một số bài viết chỉ trích thư pháp chữ Việt. Tác giả các bài viết đó là một vài nhà văn, nhà báo, thậm chí có cả giáo sư ngôn ngữ học. Có những bài viết khá công phu, trau chuốt, chứng tỏ các tác giả đã vận dụng hết khả năng và vốn hiểu biết của mình khi trình bày những ý kiến đó. Trong rất nhiều ý kiến, có một số lời phát biểu tôi thấy cần phải nêu ra đây để cùng nhau xem xét lại. Tôi xin được trich nguyên văn các ý kiến đó.

Nhà báo (M): “Chữ Quốc ngữ được tạo thành bởi sự kết hợp lạ lung giữa lý trí cứng nhắc của phương Tây và sự uyển chuyển, thánh thót của giọng nói Đại Việt. Sự hài hoà đó đã được minh định bằng cả kho tàng văn học Việt Nam hiện đại. Nếu ai muốn dùng chữ Quốc ngữ để “vẽ vời” đều sẽ làm mất cân đối sự kết hợp đó. Do vậy, chúng trực tiếp làm bẩn chữ Quốc ngữ.”

Giáo sư Trần Trí Dõi :”Theo ý kiến của riêng cá nhân tôi, cách viết chữ Việt theo hệ Latin không thể gọi là thư pháp được. Có lẽ tại Việt nam, chỉ cách viết chữ Hán mới có đủ các điều kiện để gọi là”thư pháp” vì đây là chữ tượng hình.”

Sau khi các ý kiến trên được công bố, đã có nhiều ý kiến phụ hoạ tán đồng,nhưng cũng không ít những ý kiến phản đối.Có nhiều ý kiến phản đối gay gắt đến mức như “chửi” thẳng vào mặt các vị đó. Đúng, sai ra sao, các vị đó có thực sự mang tiếng oan hay không, chúng ta hãy bình tâm xem xét lại cho công bằng.

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ khái niệm về chữ viết. Do nhu cầu về trao đổi và lưu giữ thông tin trong xã hội loài người, chữ viết được hình thành. Chữ viết, thực chất là một hệ thống các kí hiệu được sắp xếp theo một qui luật để diễn đạt thông tin mà con người muốn trao đổi với nhau. Chữ viết chỉ là sự qui ước thuần tuý của một tộc người có mối quan hệ nhất định, vì vậy, chữ viết của mỗi tộc người một khác. Như vậy,tất cả các loại chữ viết có chức năng hoàn toàn bình đẳng. Tuy nhiên, trong sử dụng chữ viết, lại có sự “hơn” “thua” (ví dụ như mức độ chính xác trong diễn đạt, mức độ thuận tiện trong sử dụng…). Từ lâu, người Trung quốc, khi nhận ra nhược điểm chữ viết của mình trong sử dụng, đã rất muốn Latin hoá chúng mà chưa thành công. Trong khi trình bày ý kiến của mình, nhiều người đã cố gán cho chữ Việt những thuộc tính mà họ cho rằng chỉ riêng chữ Việt mới có như: duyên dáng, dịu dàng, ngay ngắn …và đó là cơ sở để yêu và tự hào về nó, thậm chí còn kêu gọi mọi người hãy bảo vệ sự trong sáng của chữ Việt. Không rõ họ có biết rằng : chữ Việt đâu phải do người Việt tạo ra. Các thuộc tính của chữ Việt , phần lớn cũng chính là các thuộc tính của chữ Latin. Nếu có tự hào thì ta hãy tự hào vì dân tộc ta đã sáng suốt chọn loại chữ mà ông Alexandre de Rhodes đã tạo ra chứ không chọn loại chữ phương bắc để làm chữ Quốc ngữ.

Ông (M) bảo rằng “Chữ Quốc ngữ được tạo thành bởi sự kết hợp lạ lùng giữa lý trí cứng nhắc của phương Tây và sự uyển chuyển, thánh thót của giọng nói Đại Việt.” thì quả thật là lạ lùng, lạ lùng đến mức cả tây lẫn ta đều không hiểu nổi tại sao lại có người dám “bịa” ra sự kết hợp lạ lùng đó. Không rõ ông (M) muốn nói “lý trí cứng nhắc” là đặc trưng điển hình của phương Tây hay chỉ là của một bộ phận người phương Tây. Nếu là của cả phương Tây thì quả là liều mạng. Còn nói rằng cái “lý trí cứng nhắc “chỉ là một thứ có tồn tại trong xã hội phương Tây, thì Tác giả quá cố của chữ Việt, ông Alexandre de Rhodes, có sống lại cũng không thể hiểu được tại sao mình lại chọn cái “lý trí cứng nhắc “đó để cưỡng hôn với “sự uyển chuyển, thánh thót của giọng nói Đại Việt” (?!). Giả sử trên đời này có sự kết hợp đó thật thì sự kết hợp lạ lùng đó không biết có đẻ ra sự hài hoà như ông (M) nói không. Ông lại còn mang cả kho tàng văn học Việt nam hiện ra để minh định cho sự hài hoà mà ông tưởng tượng ra. Nếu chữ Việt có thuộc tính hài hoà, thì chắc chắn không phải là con đẻ của sự kết hợp cưỡng bức nói trên. ông (M) còn bảo sự kết hợp đó là cân đối thì quả thật là “liều mạng”. Cuối cùng ông lại nói “Chữ Quôc ngữ mang tính lý tính cao thể hiện trên cơ sở các ký tự Latin của phương Tây,…” Vậy xin hỏi ông những loại chữ nào trên thế giới mang tính lý tính thấp ?! Xem ra thật đáng buồn cho ông trong những hiểu biết về chữ Việt. Có người đã hỏi ông “Anh có phải là tội nhân môi giới ngôn ngữ, lăng mạ chữ mẹ đẻ, nhổ toẹt vào di sản ông cha ?” Câu hỏi đó có thể là gay gắt, nhưng không phải không có lý. Và bây giờ chúng ta sẽ nói tới thư pháp.

Thư pháp – Đó là gì vậy ?

Thư pháp là một thuật ngữ dùng để chỉ loại hình Nghệ Thuật Viết Chữ Đẹp. Với định nghĩa như vậy thì THƯ PHÁP, trước hết phải được hiểu là một BỘ MÔN NGHỆ THUẬT. Vì vậy sản phẩm của nó là TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT. Sản phẩm của nó bao gồm hai loại:

Văn bản
Tranh chữ (thư hoạ)
Văn bản có thể là một trang hoặc một tập hợp trang văn, thơ, cũng có thể là một sắc phong, một bằng khen hoặc một thiếp mời…

Tranh chữ có thể chỉ có một từ chủ đạo hay một tập hợp từ được trình bày trong một khuôn hình nhất định.

Mỗi loại sản phẩm có những đặc tính riêng và do đó có những yêu cầu riêng.

Văn bản là loại hình thư pháp nặng về truyền tải thông tin và nó thường chứa đựng số lượng thông tin tương đối lớn. Yêu cầu của loại hình này, trước hết, phải rõ ràng để người đọc không hiểu sai bất kỳ một thông tin nào. Yêu cầu thứ hai là phải đẹp, khiến người đọc yêu nó, trân trọng nó và hiểu thấu đáo nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Loại hình này rất phổ biến trong thực tế vì nó có mặt khắp nơi như: Biển quảng cáo, bìa sách, bằng khen, những bài thi viết chữ đẹp của học sinh trong cuộc thi do Bộ GD&ĐT và báo CAND tổ chức vừa qua chẳng hạn.

Tranh chữ là loại hình thư pháp mà yêu cầu đầu tiên tác giả phải vươn tới là ĐẸP. Ở đây đòi hỏi tính thẩm mỹ rất cao. Mặt khác, nội dung mà tác giả muốn truyền tải đến người xem không chỉ bó hẹp trong nghĩa của chữ mà nó còn phong phú hơn nhiều ví dụ như khí phách của người cầm bút, sự rung cảm của tác giả hoặc khát vọng vươn tới sư hoàn mỹ…

Bởi vậy, để có một bức tranh chữ, người cầm bút phải có trình độ thẩm mỹ cao và phải có hiểu biết hoặc năng khiếu về nghệ thuật tạo hình. Như vậy, biết đọc và viết chữ chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để trở thành nhà thư pháp hay nhà phê bình thư pháp. Điều đó giải thích tại sao có những nhà văn, nhà báo, thậm chí cả giáo sư ngôn ngữ học khi bàn về thư pháp, mặc dù đã cố gắng hết sức, vẫn như những anh chàng ngây ngô, ngớ ngẩn và tự đắc một cách đáng thương.

Trong tranh chữ, yêu cầu về nghệ thuật tạo hình là rất cao. Khi nói đến nghệ thuật tạo hình là nói đến nghệ thuật bố cục và nghệ thuật cách điệu hoá. Bố cục của một bức tranh cho thấy rõ ý đồ của tác giả, còn nghệ thuật cách điệu giúp tác giả thể hiện những ý đồ đó. Nghệ thuật bố cục và cách điệu là hai yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ tác phẩm tạo hình nào (tất nhiên không loại trừ tác phẩm thư pháp).

Trong thể hiện thư pháp, chữ Hán là loại chữ có những ưu thế so với chữ Latin. Nhiều người cho rằng, sở dĩ như vậy vì chữ Hán là loại chữ tượng hình. Nói rằng chữ Hán là loại chữ tượng hình, có lẽ, do nó có xuất xứ từ những kí tự tượng hình. Tuy nhiên khi trình độ nhận thức của con người phát triển thì những kí tự tượng hình không thể đủ diễn tả những thông tin mà con người cần trao đổi. Vì vậy, người ta phải có những qui ước sắp xếp các kí hiệu để diễn tả các thông tin. Những chữ như vậy không còn mang tính tượng hình nữa. Hiện nay, số lượng chữ Hán được coi là tượng hình chiếm rất ít, đại đa số là những chữ được cấu tạo từ những kí hiệu thuần tuý theo qui ước. Vậy ưu thế của nó nằm ở đâu?. Nhìn vào chữ Hán ta thấy rất rõ ưu thế của nó trong thư pháp là nó chứa đựng nhiều yếu tố tạo hình hơn các loại chữ khác, chẳng hạn như chữ Latin. Điều đó không có nghĩa, trong chữ Latin và các loại chữ khác không có những yếu tố tạo hình. Nếu biết khai thác các yếu tố đó, người ta cũng có thể tạo nên các tác phẩm thư pháp không kém gì các tác phẩm thư pháp chữ Hán. Tất nhiên, để làm được điều đó, các tác giả phải cố gắng rất nhiều, nhất là trong nghệ thuật tao hình. Trong bức thư pháp, không thể thiếu nghệ thuật tạo hình. Ai dám bảo trong chữ Việt không có các yếu tố tạo hình (?). Vậy có lý nào chúng ta không thể tạo nên các tác phẩm thư pháp chữ Việt đẹp?

Qua những phân tích trên, ta có thể thấy những ý kiến của giáo sư Trần Trí Dõi và một số người cho rằng thư pháp là không thể đối với chữ Việt, chỉ có thể đối với chư Hán như đã nói ở trên là quá vội vàng, nếu không muốn nói là sai lầm. Cũng phải thông cảm với họ vì kiến thức về nghệ thuật tạo hình và khả năng thẩm mỹ của họ có hạn. Chỉ có điều “không biết” lại cứ “thưa thốt” và sui dại người khác để người ta nghi ngờ về danh vị của mình thì thật đáng buồn (!).

Tóm lại, có thể khẳng định Nghệ thuật Thư pháp không chỉ dành riêng cho chữ Hán mà có thể cho mọi loại chữ viết trên thế giới. Đó là tất yếu khách quan xuất phát từ khát vọng tự do, khát vọng vươn tới sự hoàn mỹ của con người. Dù ai cố tình phủ nhận điều đó, nghệ thuật thư pháp của toàn nhân loại vẫn tồn tại như nó đang tồn tại và ngày càng phát triển.

Thái độ của chúng ta đối với nghệ thuật thư pháp chữ Việt

Dù muốn hay không ta cũng phải thừa nhận sự tồn taị và phát triển của thư pháp chữ Việt. Mặt khác cần xem xét và đánh giá lại tình hình phát triển của nó nhằm xây dựng và phát triển thư pháp Việt xứng tầm quốc tế.

Trước hết không nên “thần thánh hoá” bất kỳ một loại thư pháp nào, nhất là thư pháp chữ Hán. Đã từ lâu, trong dân gian còn truyền tụng nhiều giai thoại về việc xin, cho chữ (Hán). Người ta coi đó là những chữ “thánh hiền”. Khi đến xin chữ, ngươì ta thường đem lễ vật với thái độ hết sức thành kính. Người cho chữ cũng có thái độ hết sức trịnh trọng khi viết. Đem chữ về, nhiều người còn đặt nó lên bàn thờ, kính cẩn cầu khấn rồi mới đem đặt ở những nợi trang trọng trong nhà mình. Cho đến bây giờ ta vẫn còn được chứng kiến cung cách đó ở Văn miếu Quốc Tử Giám mỗi khi Tết đến. Cho đến thế kỷ 21 này, người ta vẫn cho rằng, bất cứ chữ gì liên quan đến chốn thờ cúng linh thiêng đều phải là chữ nho : hoành phi , câu đối, bài vị, sớ cầu khấn…đều phải là chữ nho mói có giá trị. Hiện tại, trước thực tế đó, nhiều người càng củng cố niềm tin và càng thần thánh hoá thứ chữ, thậm chí, mình và ngay cả những người mình cầu khấn cũng chẳng hiểu gì cả(!). Nhưng có không ít người (trong đó có tôi) lại nghĩ khác. Ngày xưa, việc xin, cho chữ diễn ra trong bối cảnh dân mình còn quá lạc hậu. Số người biết chữ (nho) rất hiếm, đại đa số dân ta mù chữ. Những người “có chữ “được mọi người ngưỡng mộ, tôn sùng. Chẳng thế mà trong dân gian có câu:“Chẳng tham ruộng cả ao liền. Chỉ tham cái bút cái nghiên anh đồ”. Trong nghèo khó, ai cũng muốn vinh hoa phú quí . Đã phú quí rồi, lại muốn phú qúi, cao sang hơn. Trong xã hội, một số nguời thì đầy tham vọng, nhưng đại đa số đều muốn hướng thiện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người ta thường treo những bức “đại tự”để thể hiện ước vọng, để nhắc nhở, động viên mình, để răn dạy con cháu trong nhà... Nhu cầu xin, cho chữ bắt đầu từ đó. Thái độ trân trọng của người xin chữ, thực chất dành cho người cho chữ- người đã đọc bao sách thánh hiền, có kiến thức uyên thâm - người như tấm gương sáng mà con cháu mình phải noi theo. Nhưng quan trọng hơn là người ta trân trọng cái ý nghĩa của chữ mà người ta muốn xin chứ không phải chủ yếu trân trọng cái loại chữ mà người cho thể hiện. Đối với bức thư pháp đó, người ta có thể hài lòng vì nó đẹp và vì vậy có thể được treo ở những chỗ xứng đáng, thậm chí đặt lên bàn thờ. Điều này giải thích tại sao người ta thường nhờ cậy những người viết đẹp. Cũng chính từ đây, nẩy sinh hiện tượng “tâm linh hoá”,”thần thánh hoá” trong Thư pháp. Sắc thái “tâm linh” có chăng, nó được thể hiện ở chỗ: Người viết muốn thể hiện sắc thái tình cảm của mình qua nét bút, còn người xem cảm nhận được điều đó. Thế thì sắc thái “tâm linh” đó, đâu chỉ có trong thư pháp chữ Hán. Một minh chứng rõ ràng là: Khi xem một bức thư pháp chữ Việt, có người cảm thấy hài lòng, nhưng có người lại cảm thấy bực mình, muốn nổi xung lên. Thái độ bực bội đó đã được thể hiện trong các bài viết như ta đã thấy. Như vậy, cái hồn đâu chỉ có trong thư pháp chữ Hán (?)

Viết những điều trên, tôi muốn nói rằng : Sự tôn sùng quá đáng chữ nho và cho rằng “…chỉ cách viết chữ Hán mới có đủ các điều kiện để gọi là “thư pháp”…” là một ý nghĩ sai lầm, gián tiếp coi thường chữ quốc ngữ. Mặt khác, các nhà thư pháp của ta chớ nên chủ quan khi thấy người ta suýt soa, trân trọng tác phẩm mình trao (bán,tặng…) cho họ mà tự mãn, coi mình là nhất quả đất. Sự tự mãn nóng vội của nhiều người đã đẻ ra những sản phẩm non nớt, thiếu thẩm mỹ và phản cảm, không những tự hại chính mình mà còn gây nên những bức xúc trong dư luận. Nghệ thuật thư pháp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, vì vậy cần phải có thái độ nghiêm túc khi dấn thân vào nghệ thuật này, ngay cả khi ta coi nó là một thú chơi.

Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật. Ta có thể học thư pháp để rèn luyện bản thân …nhưng để có thể trở thành nhà thư pháp, tối thiểu phải có năng khiếu thẩm mỹ, quá trình học hỏi và rèn luyện kiên trì. Thư pháp không chấp nhận sự dễ dãi, hời hợt. Các nhà thư pháp Việt lại càng cần phải thận trọng vì họ đang chịu sức ép rất lớn trong chuyên môn và của dư luận xã hội.

Chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại và phát triển thư pháp chữ Việt, không nên bàn cãi việc có hay không nên có thư pháp chữ Việt nữa. Theo tôi, chúng ta nên ủng hộ sự phát triển của thư pháp chữ Việt bằng cách góp ý, phê phán một cách công bằng các tác phẩm sao cho Thư pháp Việt ngày càng được khẳng định và xứng tầm quốc tế. Trước khi đặt bút viết những lời khen, chê, những ai có ý định phê bình thư pháp nên xem lại vốn hiểu biết của mình về lĩnh vực đó và nhất là không nên khẳng định những điều mà bản thân mình cũng chưa nắm vững. Người phê bình không nên “vơ đũa cả nắm” mà phải chỉ rõ cụ thể từng tác phẩm xem chỗ nào đạt, chỗ nào chưa đạt.Sự vội vàng, thiếu trách nhiệm của người phê bình sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của nghệ thuật thư pháp chữ Việt.

Nguồn Trích_Honchuviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét