Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Cuộc trình diễn thư pháp lớn nhất từ trước tới nay



Cuộc trình diễn thư pháp lớn nhất từ trước tới nay

Cuộc trình diễn thư pháp lớn nhất từ trước tới nay
Màn biểu diễn thư pháp câu đối. Ảnh: Thanh Khánh
KTĐT - 200 chiếc đèn lồng được treo khắp khu nhà Thái học trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đấy là nền cho cuộc trình diễn thư pháp lớn nhất từ trước tới nay phô bày vẻ đẹp uyên thâm, tao nhã và thuần khiết.

Cái thú chơi lắm công phu luôn gắn bên mình dáng dấp của những ông đồ áo dài khăn xếp này, đã hiện diện đầy mê say và tài hoa ở đất Hà thành trong những ngày Đại lễ.

Triển lãm thư pháp năm nào cũng một hai lần "ra vào" Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng có lẽ chưa lần nào cuộc hội tụ lại đông đảo các nhà thư pháp cũng như các tác phẩm ấn tượng như lần này. Khai mạc chiều 4/10 và kéo dài đến hết 14/10, đây không chỉ đơn thuần là một triển lãm mà còn là liên hoan thư pháp - cuộc trình diễn tài hoa của những "ông đồ" thời hiện đại.
Toàn bộ sân nhà Thái học đã được dựng thành các nhà bát giác, long đình. 250 bức thư hoạ kích cỡ khác nhau trên giấy, gốm, tre, trúc… hiện diện trên cột, tường… theo 3 chủ đề: Văn hiến Thăng Long; Giáo dục khoa cử; Cảnh đẹp Thăng Long - Hà Nội. Trong số này, có những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng như bức thư pháp "Chiếu dời đô" mạ vàng kỷ lục, cuốn sách "Bình Ngô Đại Cáo" nặng 200kg, dài 1,6m, rộng 1,1m… Lại thêm những mô hình tấm bia, mô hình cụ rùa, hình ảnh một nhà thư pháp, còn có bàn viết, có mực tàu, có người cho chữ… Một không gian và một không khí đặc trưng thư pháp đã được tạo dựng đầy hồn hậu khiến người xem cảm nhận được cái "chất" của những ông đồ thời hiện đại, cảm nhận được cái tâm của những người say sưa chữ nghĩa.
Toàn bộ không gian được trang trí toàn bằng hoa, hoa làm thành hai cuốn thư pháp lớn nơi cổng vào, hoa kết hai bên đường dẫn lối khách vào khu nhà Thái Học. Cạnh Khuê Văn Các có một cuốn sách mở ra cực lớn làm bằng hoa "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia" và một bên là có hình ảnh nghiên mực, bút lông cũng bằng hoa. Đấy là một cách mà những người kỳ công cho cuộc trình diễn này nói rằng, họ tôn vinh ngày Đại lễ bằng hoạt động thư pháp. Lễ rước Bằng công nhận 82 tấm bia Tiến sỹ là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với ông đồ, tiến sĩ trong trang phục của thời xưa "mở màn" trong lễ khai mạc cũng với ý đồ ấy. Thật kỳ công bởi các khúc, đoạn, bài nhạc ở đó đều được sáng tác riêng cho chương trình chứ không chỉ lấy sẵn từ các ca khúc, hay vay mượn đâu đó.
Tuy nhiên, làm nên không khí đặc thù rất riêng là 50 thư pháp gia rất nổi tiếng của Hà Nội và cả nước. Các "ông đồ" ấy thường trực với quần the, trang phục cổ, sẵn lòng làm người yêu thư pháp hài lòng với các loại chữ Hành, Triện, Lệ, Thảo… Điều đặc biệt là việc trình diễn tôn vinh thư pháp - điều trước đây chưa từng hiện diện. Đó là trình diễn các câu chuyện, giai thoại trong lịch sử có các tích chuyện liên quan đến chữ viết. Ví như chuyện về Trần Quốc Toản viết 6 chữ Vàng "Phá cường địch báo Hoàng ân", hay giai thoại lịch sử về Nguyễn Trãi-Lê Lợi với câu chuyện viết trên lá cây "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần"… Không chỉ trình diễn bằng nghệ thuật biểu diễn, triển lãm thư pháp sẽ trình diễn tĩnh bằng các chữ viết trên giấy, trên gốm, trên tre trúc và trênnhiều chất liệu khác nhau rất phong phú, gây thú vị cho người thưởng lãm.
Cuộc trình diễn thư pháp lớn nhất từ trước tới nay đã chọn dịp Đại lễ để trình diện công chúng. Đây thực sự là một hoạt động đầy ý nghĩa trong ngày hội ngàn năm có một này của Thủ đô.
( Nguồn www.ktdt.com.vn )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét